41- Tại sao người ta thích "đua đòi"?
Các đoạn thẳng trong thí nghiệm của Arch. |
Trong cuộc sống hàng ngày, khi cách nghĩ và cách làm của ta khác với mọi người, bao giờ chúng ta cũng tìm cách thay đổi để cho được như người khác, gọi là “đua đòi”. Tâm lý học gọi hiện tượng đi theo số đông về nhận thức và hành động dưới sức ép của dư luận là “hiệu ứng theo đàn”.
Năm 1956, nhà tâm lý học Mỹ Arch đã làm một thí nghiệm nổi tiếng: Ông chọn 50 người đến so sánh độ dài của mấy đoạn thẳng. Trên hình vẽ, họ được yêu cầu phân biệt xem đoạn thẳng ở bảng A bằng đoạn thẳng nào trên bảng B.
Khi trả lời riêng rẽ, 100% nói chính xác là đoạn giữa trên bảng B. Nhưng khi Arch đưa thêm 7 nhân viên của ông vào cùng nhóm thí nghiệm với từng người, và họ đều nhất trí đưa ra kết quả sai (đoạn trái ở bảng B), thì đã có tới 32% số người cũng trả lời sai như vậy.
Rõ ràng, trước ảnh hưởng của tập thể 7 người, người thứ 8 trong nhóm đã vứt bỏ phán đoán của mình, cũng “đua đòi” và nói đoạn bên trái. Do đó, có thể thấy “hiệu ứng theo đàn” đã có tác dụng mạnh mẽ đến thế nào đối với từng cá nhân.
Nguyên nhân gì gây ra hiệu ứng này? Tâm lý học đã khái quát thành những điểm dưới đây:
- Tín nhiệm tập thể: Người ta thường cho rằng phát đoán của đa số bao giờ cũng đúng hơn của cá nhân, do đó tin tưởng vào tập thể.
- Khuất phục tập thể: Người ta thường thích gần gũi với những người có chung quan điểm với mình, cho nên để tránh cô lập, khỏi bị tẩy chay, đã phải miễn cưỡng theo đàn.
- Không khí mơ hồ của hoàn cảnh: Rất nhiều trường hợp, vì sự mơ hồ của hoàn cảnh, tự mình không dám quả quyết, đành phải dựa vào những người chung quanh, bắt chước hành vi của họ. Đây là sự theo đàn để tránh lúng túng.
Ngoài ra, trí thông minh, tinh thần và quan điểm riêng của mỗi người đều có thể gây ra hiệu ứng theo đàn. Nói chung, người có trí thông minh càng cao, tinh thần càng vững và quan điểm riêng càng mạnh, càng khó hành động mù quáng theo đàn.
42- Vì sao cá sống dưới băng thường tụ tập đến các lỗ thủng?
|
Cá rất thích bơi đến các lỗ thủng, và ở đây, chúng cũng dễ bị con người bắt nhất. |
Về mùa đông, nhiệt độ ở các nước hàn đới xuống rất thấp, thường dưới 0 độ C nên ao hồ sông ngòi đều bị phủ một lớp băng dày. Trong thời gian này, cá sống dưới đáy hồ rất thích bơi đến những lỗ thủng của lớp băng và liên tục sủi tăm. Vì sao vậy?
Chúng ta đều biết nước có thể hoà tan một phần ôxy trong không khí. Nói chung nước ở các ao hồ sông ngòi có thể tự cung cấp ôxy đủ để cá thở.
Khi nước mới đóng băng, lượng oxy hoà tan còn nhiều, cá dồn xuống đáy hồ sống ở tầng nước ấm áp, lúc này chúng hoạt động rất ít, quá trình thay đổi tế bào diễn ra chậm hẳn lại. Nhưng lớp băng mỗi ngày một dày, ôxy trong không khí rất khó hoà tan vào nước. Mặt khác, hàm lượng oxy trong nước giảm dần do bị các loài tiêu thụ và do quá trình phân huỷ các chất hữu cơ ở đáy hồ. Đồng thời, hàm lượng carbonic trong nước tăng dần, nếu vượt quá giới hạn sẽ khiến cá không sống được.
Hiện tượng thiếu oxy xuất hiện trước tiên ở tầng nước sâu, và lan dần lên các tầng trên. Do khó thở ở tầng đáy hồ, cá phải ngoi lên cao. Nhưng lượng oxy ngày càng giảm khiến cá hô hấp rất khó khăn, bởi vậy chúng thường tập trung ở xung quanh những lỗ thủng của lớp băng để thở, thậm chí có con còn nhảy lên miệng hố.
Một nguyên nhân khác của hiện tượng này là vì cá rất thích ánh sáng. Tầng nước sâu ở dưới lớp băng thường tối mờ, trong khi ở dưới những lỗ thủng thường có nhiều ánh sáng mặt trời chiếu xuống.
Để bổ sung ôxy cho hồ nuôi cá, ở các nước hàn đới, về mùa rét người ta phải đục thủng nhiều lỗ ở lớp băng trên hồ, nhờ thế đàn cá sẽ an toàn sống đến mùa xuân.
Voi và tê giác phần lớn sống ở vùng nhiệt đới, chốc chốc lại xuống nước ngâm mình, nhưng sau khi lên khỏi mặt nước, chúng thường phun lên cơ thể một thứ bùn nhão hoặc một lớp khá dày nước bùn loãng, kết quả là người bẩn vẫn hoàn bẩn.
Chúng có dại dột không nhỉ? Không. Kỳ thực, lớp bùn đó sẽ là "tấm màn" chống muỗi cho voi. Tuy da của voi và tê giác rất dày, nhưng ở giữa các nếp gấp của da lại có nhiều chỗ là da non mỏng mềm, không thể địch nổi vô số côn trùng hút máu như muỗi, ruồi càng cua, ruồi trâu. Lũ côn trùng này rất thích chui vào các nếp gấp của da động vật đẳng nhiệt cỡ lớn như voi và tê giác, ra sức cắn và châm chích, khiến những con vật to lớn đó vừa đau vừa ngứa.
Hơn nữa, động vật đẳng nhiệt sau khi tắm xong thì mạch máu dưới da nở ra rất to so với bình thường, rồi bốc mùi tanh hôi hấp dẫn côn trùng hút máu. Voi và tê giác cũng gặp phải tình trạng đó. Vì vậy, để tránh phiền toái, chúng bôi bùn nhão và nước bùn loãng để mong lấp kín những vết nhăn trên da, hình thành màng bảo vệ mình khỏi những kẻ không mời mà đến. Mặt khác, khi vừa lên khỏi mặt nước, da dẻ còn đang ướt, đắp ngay bùn lên da mới dễ dính
43- Nhảy xuống từ một toa xe đang chạy, phải làm thế nào?
Nếu ta nhảy về đằng trước khi xe đang chạy, dĩ nhiên là không những không trừ được vận tốc mà ngược lại, làm tăng nó lên. Lập luận như vậy, ta sẽ suy ra rằng phải nhảy về phía sau. Bởi vì khi đó, vận tốc nhảy trừ vào vận tốc của xe, nên khi chạm đất, thân ta sẽ phải chịu lực ít hơn. Nhưng trên thực tế, nhảy như vậy lại rất nguy hiểm. Tại sao?
Câu trả lời là, dù nhảy về đằng trước hay đằng sau, ta cũng đều có cơ bị ngã, vì khi chân chạm đất dừng lại rồi thì phần trên của thân người vẫn chuyển động. Vận tốc của chuyển động này khi nhảy về phía trước quả là có lớn hơn nhảy về phía sau, nhưng điều quan trọng ở đây là ngã về đằng trước ít nguy hiểm hơn hẳn ngã về đằng sau.
Khi ngã về phía trước, do chuyển động đã thành thói quen, ta thường bước chân lên phía trước (nếu xe chuyển động nhanh ta sẽ chạy theo vài bước), và nhờ thế mà không ngã. Chuyển động đó đã thành thói quen, vì cả đời ta đã thực hiện nó trong lúc đi (theo quan điểm cơ học, đi chẳng qua là một loạt các động tác ngã thân người về đằng trước và được đỡ lại nhờ việc bước chân lên phía trước). Còn khi ngã đằng sau, do không có chuyển động cứu nguy như vậy của chân, nên nguy hiểm hơn nhiều. Mặt khác, còn một điều quan trọng nữa là, dù bị ngã thì ngã về đằng trước, nhờ có tay chống, cũng đỡ nguy hiểm hơn ngã về đằng sau.
Tóm lại, nhảy ra khỏi xe về đằng trước ít nguy hiểm hơn là do cấu tạo cơ thể chúng ta chứ không phải do quán tính. Rõ ràng là đối với những vật vô tri thì quy luật đó không áp dụng được: Một cái chai ném ra khỏi xe về đằng trước dễ bị vỡ hơn khi ném về phía sau. Vì vậy, nếu phải nhảy khỏi toa xe vì một lý do nào đó, bạn nên ném đồ về phía sau, còn chính mình thì phải nhảy về phía trước.
Nếu có kinh nghiệm và bình tĩnh hơn, bạn hãy nhảy lùi: Nhảy về phía sau nhưng vẫn quay mặt về phía trước.
44- Vì sao một số thực vật rỗng thân?
|
Họ hòa thảo là tiến hóa nhất trong giới thực vật, nên hầu hết thân cây đều rỗng. |
Cùng một lượng vật liệu, nếu đúc thành chiếc cột chống to và rỗng thì chịu lực khỏe hơn nhiều so với chiếc cột đặc nhưng nhỏ. Các loài cây họ hòa thảo như ngô, lúa nước, lau sậy, tre, nứa… đã áp dụng đúng bí quyết xây dựng này, trở thành nhóm thực vật tiến hóa cao nhất.
Nếu cắt ngang thân cây, quan sát mặt cắt, có thể thấy cấu tạo chung của thân cây như sau: Ngoài cùng là một lớp biểu bì, đôi khi phủ lông hoặc gai nhọn. Mặt trong biểu bì là tầng vỏ, chứa mô vách mỏng và mô chống đỡ vững chắc. Cả tầng vỏ và biểu bì đều mỏng. Bên trong hai tầng này là trung trụ. Đây là nơi quan trọng nhất trong thân cây, chứa các bó mạch, vận chuyển nước và thức ăn. Trong cùng của phần trụ là tủy cây, nơi dự trữ thức ăn.
Các loại cây họ thảo rỗng thân, đó là vì phần tuỷ cây đã sớm bị thoái hóa. Khi còn non, thân cây vốn đặc, nhưng sau quá trình tiến hóa lâu dài, phần tủy này tiêu biến theo hướng có lợi cho cây. Mô chống đỡ và bó mạch gỗ trong thân cây giống như giầm trong kiến trúc bê tông cốt sắt, có nó cây mới đứng thẳng không đổ. Nếu thân cây được tăng cường mô chống đỡ và bó mạch gỗ, giảm bớt, thậm chí tiêu biến đi bộ phận tủy cây mềm nhũn, cây sẽ có kết cấu hình ống, như vậy lực chống đỡ sẽ lớn, lại tiết kiệm được nguyên liệu.
45- Vì sao muỗi thích đốt người mặc đồ sẫm màu?
Muỗi ít khi đốt người mặc đồ sáng màu, vì chúng bị lóa mắt. |
Đôi khi bên bàn ăn, bạn bị muỗi đốt chí tử, trong khi nhưng người khác vẫn bình an vô sự. Có thể bạn cho rằng máu mình "ngọt" hơn, nên chúng thích tìm đến. Thật ra, đó là vì màu quần áo bạn rất hợp "gu" của chúng.
Khả năng phân biệt màu sắc nằm ở đôi mắt muỗi. Đôi mắt này rất to, chiếm tới ¾ diện tích phần đầu, gồm nhiều mắt nhỏ ghép thành, gọi là “mắt ghép”. Mắt muỗi không những phân biệt được các vật khác nhau mà còn có thể nhận biết màu sắc và cường độ ánh sáng mạnh yếu.
Đa số các loài muỗi đều thích ánh sáng mờ; tối quá hoặc sáng quá đều không hợp "gu" của chúng. Khi chúng ta mặc quần áo sẫm màu, ánh phản quang hơi tối rất hợp với tập tính hoạt động của muỗi. Ngược lại, quần áo màu trắng phản quang mạnh sẽ xua đuổi muỗi tránh xa. Vì thế, người mặc quần áo sẫm màu dễ bị đốt nhiều hơn.
Đương nhiên do muỗi có nhiều loài khác nhau nên cường độ ánh sáng ưa thích của mỗi loài không giống nhau. Ví dụ, phần lớn loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày, còn các loài muỗi khác thích hoạt động vào lúc sẩm tối hoặc rạng sáng. Nhưng dù là loài muỗi nào, chúng cũng đều lẩn tránh nơi có cường độ ánh sáng cao. Ngay cả loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày thì cũng phải sau 3-4 giờ chiều mới tung hoành.
46- Tại sao nước biển mặn?
|
Trung bình, trong 1 kilogram nước biển có 35 gram muối. |
Có người nói nước biển mặn vì hòa tan rất nhiều muối. Nhưng đó không phải câu trả lời, bởi muối ở đâu mà ra? Không lẽ nước sông, nước hồ không có muối hòa tan mà chỉ có nước biển?
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Có hai giả thuyết:
- Giả thuyết thứ nhất cho rằng ban đầu nước biển cũng ngọt y hệt nước sông, nước hồ. Sau đó, muối từ trong nham thạch và các lớp đất xói mòn, theo mưa chảy ra các dòng sông. Rồi các dòng sông đổ về biển cả. Nước biển bốc hơi, trút xuống thành những cơn mưa. Mưa lại đổ ra các dòng sông... Cứ như vậy, theo thời gian, muối đã lắng đọng dần xuống biển, khiến biển ngày càng mặn hơn. Theo đó, dựa vào hàm lượng muối trong nước biển, người ta có thể tính ra tuổi của nó.
- Giả thuyết thứ hai cho rằng, ngay từ đầu nước biển đã mặn như vậy. Lý do là các nhà khoa học thấy rằng, hàm lượng muối trong nước biển không tăng lên đều đặn theo tuổi của trái đất. Khi nghiên cứu những lớp đất đá trong các hang động bị nước biển tràn vào, người ta thấy rằng, hàm lượng muối trong nước biển luôn thay đổi, khi lên khi xuống chứ không cố định. Đến nay, người ta vẫn chưa biết tại sao lại như vậy.
47- Tại sao khi học có lúc tiến bộ nhanh, có lúc lại chậm ?
|
Bạn hãy cố gắng hết mình ở giai đoạn "cao nguyên", rồi sẽ có lúc kiến thức của bạn nhảy vọt đột biến. |
Mọi kỹ năng hay kiến thức mà chúng ta có được đều là do trải qua một quá trình tập luyện lâu dài. Chẳng hạn học ngoại ngữ hay đánh đàn. Nhưng sẽ có lúc bạn sẽ thấy đầu óc dường như ì ra, mãi chẳng tiến bộ, và cũng có lúc lại "lên tay” rất nhanh.
Nhiều nhà tâm lý học đã làm thí nghiệm và vẽ đồ thị học tập. Ta hãy xem đồ thị trên đây, với một số quá trình chính sau.
1. Giai đoạn vọt tiến. Học viên bao giờ cũng tiến bộ rất nhanh, bởi vì lúc mới đầu ai cũng háo hức, tập trung cao. Mặc khác tiến bộ của kỹ năng chỉ là từ nông đến sâu, từ dễ đến khó, nên giai đoạn này được nâng cao rất nhanh.
2. Giai đoạn cao nguyên: Thành tích học tập khá bằng phẳng, ở mức cao. Trong quá trình học, khi đến một giai đoạn nào đó, tuy vẫn cố gắng nhưng bạn không thấy tiến bộ, thậm chí còn kém đi, gây ra cảm giác chán nản. Hiện tượng này là thời kỳ quá độ từ bậc thấp sang bậc cao. Mặc khác, động cơ học tập của bạn giảm xuống, không được hăng hái như lúc đầu, hoặc cũng có thể do phương pháp không thỏa đáng. Do đó cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp, không nên thối chí, bỏ học.
3. Đột biến: Cuối thời kỳ cao nguyên bao giờ cũng đến thời kỳ nhảy vọt rõ rệt. Thực tế là học viên sau một thời gian dài mò mẫm thử nghiệm, cuối cùng đạt đến giai đoạn thành thạo. Đây là kết quả của quá trình tập luyện lâu dài từ trước.
Như thế, cao nguyên không phải là giới hạn của tiến bộ, chỉ cần "nhấn ga" một chút, qua ngưỡng này là bạn sẽ đạt đến mức thành thạo. Khi thấy học hành mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi thư giãn một chút. Chỉ cần hăng say và chú trọng phương pháp khoa học, nhất định bạn sẽ lên đến đỉnh cao.
48- Vì sao ngài tằm đẻ trứng xong là chết ngay?
Một đàn tằm. |
Hầu hết các loài sinh vật đều sinh sản và đợi con non cứng cáp rồi mới chết. Nhiều loài còn đợi được đến các thế hệ cháu chắt sau lũ lượt ra đời. Thế nhưng, ngài tằm vừa đẻ trứng xong là chết ngay. Tại sao lại như vậy?
Khi con ngài bay bổng trên bầu trời, ấy là nó đã trải qua một "kiếp" tằm. Tằm ăn lá, nhả tơ, quấn kén, rồi thành ngài. Khi đó, nó đã ở giai đoạn cuối cùng của một đời sống sinh vật. Lúc này, miệng của nó đã bị thoái hóa, không thể ăn được gì nữa.
Trong khi mang trứng, ngài đã dự trữ khá nhiều chất dinh dưỡng cho sứ mệnh cuối cùng của nó - sứ mệnh truyền giống. Khi đẻ trứng, nó bị kiệt sức rất nhanh. Và khi quả trứng cuối cùng ra đời, nó lặng lẽ giã từ sự sống. Đó cũng là định mệnh của họ hàng nhà tằm.
49- Tính tuổi của cây bằng cách nào?
Trong thiên nhiên có cây to, cây nhỏ, cây sống nghìn năm, cây sống mấy chục năm. Làm thế nào để biết tuổi của chúng? Phương pháp tin cậy nhất là đếm số vòng tròn trong thân cây khi cắt ngang. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, bạn có thể nhầm đấy!
Nếu cắt một lát mỏng ngang qua thân cây, dưới kính hiển vi có thể quan sát thấy từng bó mạch gỗ. Lớp ngoài bó mạch gỗ là phloem, lớp trong là xylem, giữa lớp phloem và xylem là lớp thượng tầng. Thân cây to lên được là nhờ có lớp thượng tầng này. Hàng năm nó đều phân chia tế bào, sản sinh ra lớp phloem và xylem mới nên thân cây cứ mỗi năm lại to dần ra.
Trong điều kiện thời tiết khác nhau, lớp thượng tầng cũng phát triển khác nhau. Từ mùa xuân đến mùa hè, cây sinh trưởng thuận lợi, nên tế bào thượng tầng phân chia nhanh, vách tế bào mỏng, xenlulô ít, các ống mạch dẫn nước nhiều. Chất gỗ tạo ra trong mùa này gọi là gỗ mùa xuân hay gỗ đầu năm. Đến mùa thu - đông, thời tiết khắc nghiệt hơn, các tế bào thượng tầng phân chia chậm, vách tế bào dày, xenlulô nhiều, mạch dẫn ít. Chất gỗ tạo ra trong mùa này gọi là gỗ mùa thu, hay gỗ cuối năm.
Khi cưa ngang thân gỗ, bạn sẽ thấy chất gỗ và màu sắc mỗi vòng khác nhau. Trong đó, thớ gỗ thô, màu nhạt chính là gỗ xuân; thớ mịn, màu thẫm chính là gỗ thu. Một vòng tròn gồm màu nhạt và thẫm chính là một vòng tuổi, do cây tạo ra trong một năm. Vì vậy, dựa vào số vòng này, người ta có thể đoán ra tuổi cây.
Tuy nhiên, không thể dùng công thức này để tính tuổi tất cả các loại cây. Ví dụ một số cây như cam, quýt, mỗi năm có tới 3 lần sinh trưởng, vì thế số vòng tuổi được gọi là “vòng tuổi giả”. Tức là, 3 vòng chỉ tương đương với 1 tuổi thôi.
50- Có thật các hành tinh đều ở gần đường hoàng đạo?
|
Quỹ đạo của các hành tinh chỉ nghiêng một chút so với mặt phẳng quỹ đạo trái đất (hoàng đạo). |
Khi nhìn lên bầu trời, chúng ta thấy mặt trời luôn di chuyển về phía đông. Đường đi này của nó gọi là đường hoàng đạo. Trên thực tế, đường hoàng đạo là vòng tròn được tạo ra bởi quỹ đạo mở rộng vô tận của trái đất cắt ngang quả cầu vũ trụ giả định...
Theo nguyên lý trên, điều khiến các hành tinh "yêu mến" đường hoàng đạo có liên quan tới quỹ đạo của chúng. Thực tế, quỹ đạo của 9 hành tinh quay quanh mặt trời tuy đan chéo nhau nhưng chênh lệch không nhiều lắm. Nếu lấy quỹ đạo của trái đất làm tiêu chuẩn để so sánh thì độ chênh lệch quỹ đạo của các hành tinh kia như sau (tính từ trong ra ngoài):
- Sao Thủy: 7 độ 0 phút
- Sao Kim: 3 độ 24 phút
- Sao Hỏa: 1 độ 51 phút
- Sao Mộc: 1 độ 18 phút
- Sao Thổ: 2 độ 29 phút
- Sao Thiên Vương: 0 độ 46 phút
- Sao Hải Vương: 1 độ 46 phút
- Sao Diêm Vương: 17 độ 9 phút.
Như vậy, chỉ trừ sao Diêm Vương quá xa, các hành tinh khác chênh nhau nhiều nhất không quá 8 độ, tức là vị trí của chúng hầu như không cách xa đường hoàng đạo là mấy.
theo vietsciences
Bài viết chưa có nhận xét nào.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Có thể sử dụng thẻ trích dẫn [quote], cấu trúc thẻ như bên dưới :
[quote=AUTHOR name=fdquote]NỘI DUNG[/quote]
» Có thể sử dụng các thẻ <b>,<i>,<a>.
BlOg FD chính thức đóng comment của khách ẩn danh.
BlOg FD.