Loading post navigation ...
 
 

Pro page

1
Nhận xét

Những câu hỏi vì sao? p.6

| by Phan Dũng | views

Hãy nhấn thanks để ủng hộ tác giả

51- Vì sao trong sa mạc có ốc đảo?

Một ốc đảo giữa sa mạc châu Phi.

Giữa sa mạc mông mênh cát trắng, không một giọt nước, thỉnh thoảng lại xuất hiện những ốc đảo xanh tươi với nhiều động thực vật đa dạng. Tại sao ở đây có nhiều nước như vậy, dù rất ít mưa?

Đa số các ốc đảo đều dựa vào núi cao, hướng ra sa mạc. Vào mùa đông, băng tuyết đọng lại trên đỉnh núi. Đến mùa hè, băng tan ra, chảy thành sông. Do địa thế dốc nên nước chảy xiết, mang theo bùn đất, thậm chí cả các tảng đá lớn từ trên núi. Nhưng khi đến cửa sông, địa thế đột nhiên bằng phẳng, bùn đất lắng đọng lại hai bên bờ, tích tụ dần thành những khu vực đất đai màu mỡ.

Đa số các dòng nước không đủ mạnh để chảy ra biển, mà chỉ chảy một đoạn rồi thấm vào đất cát thành các mạch nước ngầm. Ở hai vùng bờ sông, gần các mạch nước ngầm, cây cối mọc xanh tươi. Đó chính là các ốc đảo.

52- Vì sao vẹt, yểng học được tiếng người?

Chỉ một vài loài chim biết hót như vẹt, yểng, khướu là có thể học nói được.

“Mấy giờ rồi?”, “chào bác!’”, “ăn cơm chưa?”, “tạm biệt”… Có tiếng ai the thé thốt lên từ góc vườn, nhìn ra, bạn sẽ kinh ngạc khi thấy đó không phải là tiếng của chủ nhà, mà là tiếng một chú vẹt tinh nghịch. Làm sao nó nói được nhỉ?

Thực ra, đại não của vẹt không phát triển như đại não của người, không có sẵn điều kiện để biết nói. Những câu phát âm đơn giải của chúng chỉ là một kiểu bắt chước vô thức, mà phải do người dạy mới hình thành. Trong trạng thái hoang dã, hiếm thấy con vẹt nào nói được.

Ngôn ngữ là sản phẩm chỉ có trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Ngoài sự cần thiết phải nhờ thanh đới (thông qua cử động nhịp nhàng của họng, lưỡi, răng, môi) để phát âm, còn cần sự kết hợp từ vựng và quy luật ngôn ngữ mới có thể biểu đạt tốt những điều nghĩ ra trong óc. Các loài vẹt, yểng có thể “nói” được những câu đơn giản, chẳng qua là chúng có cái lưỡi vừa nhọn vừa nhỏ, mềm và đầy thịt, nên chỉ biết lặp lại một chuỗi âm tiết mà người ta dạy cho nó thôi. Chưa bao giờ người ta thấy chúng nói được những câu phức tạp cả.

Nhìn chung, loài chim sinh ra là có thể phát âm. Khi người ta thường xuyên lấy vài âm tiết nào đó để gây ảnh hưởng với chúng, lâu ngày chúng sẽ bắt chước được. Tình huống này gọi là phản xạ nói vô điều kiện. Sau này, mỗi khi gặp người, do bị kích thích mà sinh ra phản ứng, chúng nhắc lại mấy âm tiết đơn giản đã học được, đây là phản xạ có điều kiện.

Trong giới động vật, chỉ có loài chim (nhất là những loài biết hót) là có thể bắt chước âm thanh của đồng loại và tiếng kêu của các động vật khác. Còn học nói tiếng người chỉ giới hạn ở vài loài biết hót, như vẹt, yểng, khướu.

53- Vì sao trong bụng nhặng xanh có rất nhiều dòi?

Một con nhặng xanh có thể mang trong bụng hàng trăm con dòi.

Khi bạn dùng vỉ đập chết một con ruồi nhà, trong bụng nó không có gì. Nhưng khi đánh một con nhặng xanh thì từ bụng nó thường chui ra rất nhiều dòi. Có người nói rằng vì nhặng xanh ăn phân, bụng thối rữa nên mới sinh ra nhiều dòi như vậy...

Có người lại bảo nhặng xanh ăn phải trứng ruồi, và trứng này nở thành dòi trong bụng chúng. Thực ra, cả hai cách nói này đều sai.

Ruồi nhà và nhặng xanh khác nhau ở chỗ: Ruồi nhà đẻ trứng còn nhặng xanh "đẻ con". Nói đúng ra, nhặng xanh không đẻ trứng mà đẻ ra ấu trùng: dòi. Bởi thế, trong bụng một con nhặng mẹ thường có rất nhiều dòi.

Trong thế giới côn trùng, hiện tượng "đẻ con" như nhặng xanh không phải hiếm. Ví dụ, loài rệp cây ký sinh trên các cây lương thực cũng đẻ ra ấu trùng. Tuy nhiên, hiện tượng "mang thai" của côn trùng khác hẳn với các loài động vật có vú. Trứng của động vật có vú rất nhỏ, nhỏ đến mức mắt thường khó nhìn thấy. Nhưng khi được thụ tinh, trứng này sẽ phát triển thành phôi, và phôi ngày một lớn dần thành thai non. Còn trứng của côn trùng lớn hơn rất nhiều, chất dinh dưỡng bên trong đủ nuôi để con non phát triển, không cần mẹ. Thực tế, hiện tượng "đẻ con" của côn trùng chỉ là giả, và về bản chất, nó không khác gì đẻ trứng, chỉ khác chăng một đằng là con non nở trong bụng mẹ, một đằng là nở ở ngoài mà thôi.

54- Các hành tinh trong vũ trụ liệu có va vào nhau?

Nếu trái đất ở rất gần các hành tinh khác và chúng chuyển động ngược chiều nhau thì khả năng đụng độ rất dễ xảy ra. Nhưng thực tế, trái đất và các hành tinh đều ngoan ngoãn quay trên những quỹ đạo nhất định khiến cho chuyện đó là không thể.

Mặt trăng là thiên thể gần trái đất nhất, cách chúng ta 384.000 km. Khoảng cách giữa mặt trời và trái đất là 149,6 triệu km (hãy tưởng tượng muốn đi bộ tới quả cầu lửa này, bạn phải mất hơn 3.400 năm).

Các hành tinh khác trong hệ mặt trời cũng ở rất xa, và bởi chịu sức hút của mặt trời nên chúng đều có một quỹ đạo ổn định. Do đó chúng không có cơ hội đụng độ với hành tinh xanh.

Các ngôi sao khác trong vũ trụ cách trái đất còn xa hơn nữa. Sao Biling là gần nhất, cách trái đất 4,22 năm ánh sáng, tức là từ vì tinh tú này tới trái đất, ánh sáng phải “ì ạch” mất 4 năm 3 tháng.

Trong khoảng không vũ trụ gần hệ mặt trời, trung bình các sao cách nhau khoảng trên 10 năm ánh sáng. Hơn nữa, chúng đều chuyển động theo một quy luật nhất định. Mặt trời cũng như tất cả các sao trong dải Ngân Hà đều chuyển động xung quanh trung tâm hệ theo một quy luật riêng chứ không phải là hỗn loạn. Bởi vậy, rất ít khả năng các sao trong dải Ngân Hà va chạm nhau.

Theo tính toán của các nhà khoa học, trong hệ Ngân Hà trung bình khoảng một tỷ tỷ năm mới xảy ra một va chạm giữa các sao. Tuy nhiên, xác suất các sao chổi va quyệt vào hành tinh thì thường xuyên hơn nhiều.

55- Trên mặt trăng có thể nhảy cao hơn trên trái đất bao nhiêu?

Giả sử rằng vận động viên giỏi nhất có thể nhảy qua mức xà 2,42 mét. Con số này chưa phải là lớn lắm, nhưng chúng ta chỉ có thể tăng kỷ lục lên một chút nữa mà thôi, vì không thể thắng được lực hút trái đất. Còn nếu như cuộc thi tổ chức trên mặt trăng, kỷ lục sẽ được lập ra sao?

Định luật lực hấp dẫn giải thích rằng: lực hấp dẫn và khối lượng của hai vật thể tỷ lệ thuận với nhau. Dựa vào định luật đó, có lẽ bạn sẽ nói rằng: khối lượng của mặt trăng bằng 1/81 khối lượng trái đất, trọng lượng của một người trên mặt trăng sẽ giảm đi 81 lần, và nếu trên mặt đất người ấy nhảy được 2,42 mét, thì trên mặt trăng anh ta sẽ lên tới độ cao 200 mét!

Thực tế không phải vậy.

Vừa rồi chúng ta mới chỉ nói đến nửa đầu của định luật hấp dẫn mà chưa nói đến phần sau, phát biểu rằng: lực hấp dẫn tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa hai vật thể. Bán kính của mặt trăng chỉ bằng 27% bán kính trái đất, như vậy rõ ràng là khoảng cách giữa người tới trung tâm mặt trăng ngắn hơn nhiều khoảng cách tới trung tâm trái đất, trong khi đó trọng lượng của con người lại tăng một cách tương đối. Bởi vậy khi con người lên mặt trăng, không phải trọng lượng giảm đi chỉ còn bằng 1/81 so với khi ở trái đất, mà chỉ giảm còn bằng 1/6 thôi.

Từ phép tính tổng hợp gồm khối lượng và bán kính mặt trăng, chiều cao của vận động viên, ta có đáp số chính xác là: trên trái đất vận động viên nhảy cao tới 2,42 mét thì trên mặt trăng anh ta có thể nhảy cao 9 mét.

theo vietsciences



Enter your mail address:

1

Khách (ẩn danh)

mình thích những câu hỏi như thế này, đọc rất hứng thú



☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Có thể sử dụng thẻ trích dẫn [quote], cấu trúc thẻ như bên dưới :

[quote=AUTHOR name=fdquote]NỘI DUNG[/quote]

» Có thể sử dụng các thẻ <b>,<i>,<a>.


BlOg FD chính thức đóng comment của khách ẩn danh.

BlOg FD.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))

Newer Posts Older Posts Home